Trong quá trình tồn tại và phát triển dù ngẫu nhiên hay cố ý con người cũng tác động đến môi trường thông qua việc sử dụng nguyên nhiên liệu (đất, nước, không khí, nguyên nhiên vật liệu…) đồng thời thải ra môi trường các chất thải (rắn, lỏng, khí từ sinh hoạt, công nghiệp hóa, giao thông, y tế…).
Tuy nhiên trong quá trình tự nhiên cũng có quá trình phân hủy và làm sạch theo quy luật riêng và ứng với tốc độ làm sạch nhất định. Quá trình phân hủy chất bẩn nhờ tác động rất tích cực của đất, vi sinh vật, nước, bức xạ, mặt trời, động và thực vật các loài...
Chính vì thế phát triển kinh tế - xã hội phải đồng hành với việc phát triển bền vững, con người muốn tồn tại và phát triển được trong môi trường của mình thì nhất thiết phải xác lập tốt mối tương quan giữa phát triển với tự làm sạch của môi trường. Ðể làm được nhiệm vụ trên, cần hiểu được ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế- xã hội, hoạt động sản xuất đến các yếu tố cấu thành môi trường. Ngược lại cũng cần hiểu được các phản ứng của môi trường đến các thành phần môi trường. Quá trình hiểu, xác định đánh giá đó được gọi là đánh giá tác động môi trường (ÐTM) hay Environmental Impact Assessment (EIA)
Ðánh giá tác động môi trường là một việc rất quan trọng có ích, có ý nghĩa thực tế đối với hoạt động kinh tế- xã hội của một quốc gia, một khu vực. Công tác đánh giá tác động môi trường lại là một quá trình tổng hợp vừa phân tích vừa nghiên cứu rất phức tạp với nhiều lĩnh vực khoa học kinh tế và công nghệ khác nhau, để từ đó có thể dự báo các tác động môi trường có khả năng xảy ra bởi một dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp và biện pháp nhằm tăng cường các tác động tích cực, giảm thiểu các tác động tiêu cực, góp phần làm cho dự án đầu tư được bền vững trong thực tế triển khai.
Mục đích chính của việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM)
- Đánh giá tác động môi trường là một công cụ để cơ quan quản lý có thể cân nhắc, phân tích dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.
- Đề xuất phương án phòng tránh, giảm bớt các tác động tiêu cực, tăng cường các mặt có lợi mà vẫn đạt được đầy đủ các mục tiêu và yêu cầu phát triển
- Đánh giá tác động môi trường không những là báo cáo khoa hoc mà là cơ sở pháp lý giúp quyết định những vấn đề quan trọng về phát triển Kinh tế - Xã hội liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong cả nước hoặc một vùng một địa phương.
Quá trình đánh giá tác động môi trường thường được thực hiện theo 3 bước lớn:
Bước 1:Lược duyệt các tác động môi trường (Screening)
Bước 2:Ðánh giá sơ bộ các tác động môi trường (Preliminary Assessment)
Bước 3:Ðánh giá đầy đủ các tác động môi trường (Full Assessment)
Tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm các bước:
Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật hoặc có thể thuê cơ quan tư vấn lập và trình thẩm định theo quy trình.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Tổ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ – Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Thời gian nhận hồ sơ: sáng từ 7h30 đến 11h30, chiều từ 13h30 đến 17h (từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, thứ 7 chỉ làm việc buổi sáng).
Khi nhận hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ: trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì cấp phiếu biên nhận cho người nộp, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Phòng Quản lý môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành tổ chức thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu hồ sơ đạt yêu cầu sẽ tiến hành các thủ tục cấp Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu hồ sơ không đạt yêu cầu hoặc phải chỉnh sửa bổ sung, sẽ có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân thực hiện lại hoặc chỉnh sửa bổ sung.
Bước 4: Nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại Tổ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của Sở Tài nguyên và Môi trường theo ngày hẹn.
Doanh nghiệp phải nộp 01 bộ hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường để được xét duyệt, hồ sơ bao gồm: 01 bản chính văn bản đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 08 bản chính bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được đóng thành quyển; 01 bản chính bản báo cáo đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư hoặc tài liệu tương đương.
Hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường được giải quyết trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Nếu doanh nghiệp không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, theo điểm d Khoản 3 Điều 12, Nghị định 179/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
* Luật Bảo vệ môi trường 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
* Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về việc Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
* Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
* Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chánh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cá nhân, tổ chức có nhu cầu hãy liên hệ Công ty TNHH tư vấn môi trường GMPclean để được chúng tôi tư vấn, hỗ trợ hoàn thành hồ sơ đánh giá tác động môi trường một cách nhanh chóng, đơn giản và hoàn chỉnh nhất.